Ván nhân tạo có vân như gỗ thật. Do những đặc tính cơ lý ưu việt, kiểu dáng màu sắc phong phú, nên đồ mộc làm từ ván nhân tạo thích hợp với nội thất hiện đại. Nguồn gỗ khai thác từ rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt, vì vậy sản xuất ván gỗ nhân tạo là hướng ưu tiên đầu tư của Chính phủ để xuất khẩu, giải quyết nguồn nguyên liệu rừng trồng.
Hiện nay cả nước có 1.200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ, trong đó trên 300 doanh nghiệp đã có hàng xuất khẩu, Việt Nam đang đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ đạt 1,5 tỷ USD/năm, trong đó ván gỗ nhân tạo sẽ giữ vai trò chủ lực. Sản phẩm đồ mộc: bàn, ghế, giường, tủ, tủ bếp, vách ngăn, sàn nhà, ốp tường, ốp trần… làm từ ván gỗ nhân tạo rất thích hợp cho nội thất gia đình, công sở, trường học, khách sạn, nhà hàng, nhà văn hoá, cung thể thao…

Những loại ván gỗ nhân tạo thông dụng ở Việt Nam

Theo ông Phạm Quang Hiển (Tổng giám đốc TCT lâm nghiệp Việt Nam), sản phẩm ván gỗ nhân tạo sản xuất và sử dụng phổ biến ở Việt Nam hiện nay gồm 3 loại chính: ván sợi, ván ghép thanh, ván dăm…

Ván dăm (PB) là gỗ nhân tạo được sản xuất từ nguyên liệu gỗ rừng trồng (bạch đàn, keo, cao su…), có độ bền cơ lý cao, kích thước bề mặt rộng, phong phú về chủng loại. Mặt ván được dán phủ bằng những loại vật liệu trang trí khác nhau: melamine, veneer (gỗ lạng)…

Ván dăm là nguyên liệu chủ yếu sử dụng để trang trí nội thất, sản xuất đồ mộc gia đình, công sở. Ván dăm được sản xuất bằng quá trình ép dăm gỗ đã trộn keo, tương tự như MDF nhưng gỗ được xay thành dăm, nên chúng có chất lượng kém hơn ván sợi.

Công nghệ dán phủ mặt và cạnh ván thoả mãn nhiều yêu cầu về hình dạng và kích thước, gồm 2 loại sản phẩm: ván dăm trơn và MFC. Ván dăm trơn là loại phổ biến trên thị trường, khi sử dụng thường được phủ veneer, sơn, hoặc phủ PU. Với sản phẩm MFC, hai mặt được phủ một lớp Melamine nhằm tạo vẻ đẹp, chống ẩm và trầy xước.

Những nước sản xuất ván dăm nhiều trên thế giới là: Malaysia, Việt Nam, New Zealand, Thái Lan, Úc. Nơi sản xuất ván dăm lớn nhất Việt Nam hiện nay là Nhà máy Ván dăm Thái Nguyên, với công suất thiết kế 16.500 m3 sản phẩm/năm, được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000, trang bị công nghệ hiện đại, sản phẩm xuất xưởng có độ dày từ 8mm đến 32 mm.

Ván sợi MDF (còn gọi gỗ ép) thuộc loại gỗ nhân tạo có độ bền cơ lý cao, kích thước lớn, phù hợp với công nghệ sản xuất đồ mộc nội thất trong vùng khí hậu nhiệt dới. Ván sợi được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực: sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, xây dựng.

MDF được sản xuất qua quá trình ép sợi gỗ xay nhuyễn đã trộn keo, tỷ trọng từ 520-850kg/m3, tùy theo yêu cầu chất lượng, nguyên liệu gỗ, độ dày. Trên thị trường hiện có 3 loại chính: trơn, chịu nước, Melamine.

MDF trơn là loại phổ biến nhất, khi sử dụng thường được phủ veneer, sơn hoặc phủ PU. MDF chịu nước cũng thuộc loại MDF trơn, được trộn keo chịu nước trong quá trình sản xuất, thường sử dụng ở nơi có khả năng tiếp xúc với nước hoặc có độ ẩm cao như cánh cửa, đồ gỗ trong nhà bếp. Melamine MDF: hai mặt ván MDF được phủ một lớp Melamine nhằm tạo vẻ đẹp, chống ẩm và trầy xước.
Ván ghép thanh (còn gọi gỗ ghép) được sản xuất từ nguyên liệu chính là gỗ rừng trồng. Những thanh gỗ nhỏ đã qua xử lý hấp sấy, trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, gỗ được cưa, bào, phay, ghép, ép, chà và sơn phủ trang trí. Ván ghép thanh được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất đồ mộc, trang trí nội thất, sản xuất ván sàn và nhiều sản phẩm khác.

Có bốn cách thức gỗ ghép: song song, mặt, cạnh, giác. Gỗ ghép song gồm nhiều thanh gỗ cùng chiều dài, có thể khác chiều rộng, ghép song song với nhau. Gỗ ghép mặt gồm nhiều thanh gỗ ngắn, ở hai đầu được xẻ theo hình răng lược rồi ghép lại thành những thanh có chiều dài bằng nhau, rồi tiếp tục ghép song song các thanh, cho nên chỉ nhìn thấy vết ghép hình răng lược trên bề mặt ván, thị trường Nhật rất chuộng cách ghép này.

Nâng cao công nghệ sản xuất gỗ nhân tạo

Gỗ nhân tạo của nước ta còn nhiều nhược điểm chưa được khắc phục: chứa những chất độc hại, dễ biến dạng khi gặp nước, dễ bắt lửa, hay bị mối mọt, nứt tách. Trong những năm qua, nhiều người đã nghiên cứu, cải tiến công nghệ sản xuất đem lại hiệu quả cao.

Ông Trần Phúc ở Lâm Đồng chế tạo thành công máy sản xuất ván ép từ vỏ cà phê, lá thông khô, vỏ trấu chế tạo sản phẩm gỗ nhân tạo với giá thành thấp. Công nghệ chế biến ván này không chỉ giúp nông dân có thêm thu nhập mà còn hỗ trợ giải quyết vấn đề môi trường.

Ông Nguyễn Văn Thanh cho ra chùm công nghệ mới trong chế tạo ván gỗ, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Với sản phẩm nhựa nhiệt rắn của ông Thanh, các sản phẩm ván ép đã nâng cao được chất lượng, đi trước cả những công nghệ của nhiều nước trên thế giới. Sản xuất thành công loại sơn lót chống cháy cũng là bước tiến quan trọng, mang đặc tính vượt trội hơn bất kỳ loại sơn lót nhập khẩu nào nhờ đặc tính chống cháy và hoàn toàn không gây độc hại.

Một kỹ nghệ tưởng như đơn giản nhưng vô cùng khoa học: đưa những loại gỗ rừng có chất lượng kém (nhanh mục, dễ thấm nước, dễ cong vênh…) vào bình áp suất chứa nước, tăng nhiệt độ lên 180OC, áp suất đạt 5 at. Nhiệt độ cao khiến nhựa trong thân gỗ được hoá lỏng, làm co giãn sợi xenlulo. Sau đó xả hơi nước đột ngột và đưa dung dịch keo nhựa nhiệt rắn vào bình, nhựa nhiệt rắn ngấm dần vào sợi xelulo, làm cứng gỗ tạo nên sản phẩm chất lượng tương đương các loại gỗ tự nhiên quý.

Hiện tại, hầu hết các sản phẩm gỗ ván ép của Việt Nam, cũng như Đông Nam Á không xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, châu Mỹ vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn về kỹ thuật. Vì vậy để thúc đẩy xuất khẩu, đạt mục tiêu xuất khẩu gỗ do Chính phủ đề ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần tăng cường nghiên cứu công nghệ mới để ứng dụng vào sản xuất, khắc phục những nhược điểm của sản phẩm gỗ nhân tạo của Việt Nam.

 

MDF (VÁN SỢI)

MDF là loại ván sợi làm từ gỗ hay những nguyên liệu xơ gỗ xenlulô khác, tinh lọc thành sợi gỗ và tái tạo lại với keo được trộn vào trong nguyên liệu ở nhiệt độ cao. MDF có cấu trúc đồng nhất, bề mặt phẳng, trơn, chặt chẽ, không có vệt đen và vân gỗ.

MDF dễ thao tác trên máy hơn so với gỗ tự nhiên, có thể phủ mặt và sơn gia công tạo hiệu quả trên bề mặt gần giống như bất kì loại ván nào. Ván này có thể cưa và định hình dễ dàng, có thể đóng đinh, ghim, chà nhám và bắt vít gần giống như bất kì sản phầm gỗ tự nhiên nào. Ván này cũng có lí tính và hóa tính phân loại theo cấp độ như gỗ đặc, và trong nhiều trường hợp có thể sử dụng như nguyên liệu thay thế cho gỗ đặc.

Ứng dụng

MDF mỏng

·          Bộ phận hàng trang trí nội thất gia dụng bao gồm đáy ngăn kéo, sau tủ và mặt cửa.

·          Trang trí nội thất xây dựng như tường và tấm trần nhà

·          Mặt cửa, vách ngăn, bình phong văn phòng, cửa nhẹ, và bảng thông báo.

·          Những ứng dụng khác bao gồm sản xuất các bộ phận trang trí xe máy, đồ chơi, thùng loa, sản xuất bảng mạch điện tử và cánh quạt máy.

MDF dày

·          Phần nổi trong kiến trúc xây dựng như cột và vòm cong.

·          Nguyên liệu lớp ruột cho loại ván phủ veneer, bề mặt in, vinyl và gia công dán mặt với lực ép thấp

·          Trang trí nột thất gia dụng như bàn và tủ quầy

·          Nguyên liệu cho trang trí nội thất xây dựng như cửa sổ, cửa ra vào, khung…

·          Nguyên liệu cơ bản của sản phẩm gỗ gia công dán hoăc phủ veneer để lót sàn và vách tường

·          Những ứng dụng khác bao gồm làm các bộ phận hàng thủ công mĩ nghệ, gian hàng và biển dùng trong cuộc trưng bày hay hội chợ, trần nhà, đồ chơi, điêu khắc, vách ngăn, khung đúc có gờ đã gia công, trang bị hàng hải và thiết bị giáo dục

Kích thước thường thấy

Kích thước: 1220mm x 2440mm (4’ x 8’), 1830mm x 2440 (6’ x 8’)

Độ dày: 2.5mm, 3mm, 4mm, 6mm, 9mm, 12mm, 15m, 16mm, 18mm, 25mm

.

VÁN GỖ PHỦ GIẤY TRANG TRÍ, GIẤY POLYESTER, VÀ PVC

Ván gỗ như MDF (ván sợi), ván dăm (ván okal), và ván ép (gỗ dán) có thể phủ giấy trang trí, giấy polyester hay PVC với màu trơn và hoa văn vân gỗ đa dạng.

Ván gỗ phủ giấy sử dụng keo PVAC để dán ván gỗ mong muốn với giấy trang trí PU hay Amino có khối lượng nhẹ. Mặt khác, ván gỗ phủ giấy polyester quét lớp sơn chống trầy xước  cho bề mặt ván. Loại ván này sử dụng làm mặt trước tủ, quầy, ván mặt sau, đáy ngăn kéo cũng như mặt cửa.

Ván gỗ phủ PVC đa dạng về màu sắc, sử dụng keo EVA và kĩ thuật ép làm lạnh nhanh chóng để tăng độ bám dinh.

Loại ván này sử dụng trong cac sản phẩm chống trầy xước như giá để tivi, giá để CD, trang trí nội thất văn phòng và cửa.

Độ dày 2.5mm đến 25mm
Kích thước 1220mm x 2440mm (4’x 8’)
Chú ý: các kích thước khác cũng có thể sản xuất theo yêu cầu

Ván gỗ phủ giấy trang trí, giấy polyester hay PVC đa dạng, nhiều màu trơn (trắng, xanh, đỏ…) và vân gỗ (beech, cherry, teak,..). Hơn nữa, bề mặt thành phẩm của ván gỗ phủ giấy polyester có thể xử lí nhám, bóng, sọc hay lồi lõm.

Nguồn: tuancamfa - Sưu tầm